Bộ mặt mới trong nhận diện thương hiệu của các công ty lớn [Phần 1]

Sự thay đổi logo thương hiệu của các ông lớn trên thế giới [Phần 1]

Mỗi năm trôi qua, quyết định thay đổi logo của một số thương hiệu lớn lại làm cộng đồng thiết kế tốn không ít giấy mực. Bất kể diện mạo mới có thành công hay không, GiBrand đều có những phân tích chuyên sâu của các chuyên gia thiết kế nhằm mang lại cái nhìn tổng quan về từng sự đổi mới.

Sự thay đổi logo của thương hiệu thường liên quan mật thiết đến đối tượng khách hàng mục tiêu, sự tăng trưởng doanh số hay một xu hướng mới. Dưới đây là tổng hợp diện mạo mới của logo các thương hiệu lớn trong năm 2019, cùng xem qua nhé!


1. Mozilla Firefox

Mozilla Firefox thường được viết ngắn gọn là Firefox, là một trình duyệt web mã nguồn mở tự do xuất phát từ Gói Ứng dụng Mozilla, do Tập đoàn Mozilla quản lý.

Trong vài năm qua, các nhà thiết kế tại Ramotion đã rất nỗ lực phối hợp với các nhóm làm việc Firefox để phát triển và hiện đại hóa thương hiệu trình duyệt internet nổi tiếng này. Năm nay, họ đã mang đến sự thay đổi bất ngờ cho logo “chú cáo” quen thuộc.

Một số nhà thiết kế hy vọng logo Firefox vẫn sử dụng hình ảnh chú cáo làm biểu tượng của thương hiệu. Tuy nhiên, nhóm thiết kế trao đổi về quá trình đổi logo thương hiệu:

“Chúng tôi đã nghiên cứu không chỉ hàng chục mà là hàng trăm lựa chọn và phương hướng khác nhau. Sau quá trình nhìn lại, chúng tôi tự hỏi: Tại sao phải mất hàng tháng để tạo ra thứ gì đó mà chúng tôi có thể vẽ trong vòng vài giờ? Logo đơn giản này là sự tinh tế được lựa chọn cuối cùng.”


2. Facebook

Facebook vừa ra mắt một logo mới để sử dụng trong các ứng dụng khác nhau. Đây là bước đi tiếp theo sau khi gã khổng lồ mạng xã hội này xác nhận vào tháng 8 rằng WhatsApp và Instagram đã được thiết lập để thay đổi tên, nhằm giúp mọi người hiểu rõ hơn về các sản phẩm và dịch vụ mà họ sở hữu.

Logo mới của Facebook sử dụng phông chữ san serif đơn giản và viết hoa hoàn toàn. Thay vì màu xanh thương hiệu, logo mới còn có thể biến đổi màu từ hồng, vàng và tím như ứng dụng Instagram, và màu xanh lá cây đặc trưng của WhatsApp. Giao diện chữ viết hoa giúp phân biệt công ty Facebook với chữ thường của ứng dụng cùng tên. Logo quen thuộc sẽ vẫn được sử dụng, nhưng sẽ không còn đại diện cho toàn bộ công ty.

Cuối tháng 8/2019, Facebook âm thầm thay đổi slogan trên trang chủ đăng ký tài khoản. Slogan được chuyển đổi từ “Miễn phí và sẽ luôn như vậy” thành “Nhanh chóng và dễ dàng”.

Trước đó, mạng xã hội này liên tục nhấn mạnh sự “miễn phí” trên nền tảng của mình. Theo Business Insider, nó có thể đánh dấu một bước đi mới của Facebook.


3. Android

Thành lập vào năm 2003, được Google mua lại vào năm 2005 và phát hành lần đầu tiên vào năm 2008, Android là một hệ điều hành di động dành cho điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị được kết nối khác. Được tạo ra như một nền tảng nguồn mở, Android miễn phí cho mọi người tải xuống, tùy chỉnh và phân phối, cho phép các nhà sản xuất xây dựng các thiết bị di động với chi phí thấp hơn, từ đó cho phép nhiều người truy cập hơn vào công nghệ di động.

Trong năm nay, Google đã ra mắt phiên bản mới nhất của thương hiệu Android, đánh dấu thiết kế chính thức thứ ba thay đổi kể từ năm 2014

Mục đích thay đổi logo thương hiệu Android của Google là muốn mọi người dễ truy cập hơn. Bên cạnh việc ra mắt các tính năng hỗ trợ mới, họ đã thêm màu xanh biển vào biểu tượng màu xanh lá cây nhằm giúp logo có cái nhìn thân thiện. Nhân vật robot nổi tiếng của Android cũng được đơn giản hóa nhưng không kém nổi bật khi chỉ còn phần đầu.

Kiểu chữ wordmark cũng được thiết kế lại được để phù hợp với bán kính của đầu Robot. Sự tương phản màu sắc mới trong logo đáp ứng các tiêu chuẩn tiếp cận web và dường như tích hợp tốt hơn so với thương hiệu Google.


4. Slack

Slack là công cụ và dịch vụ trực tuyến giúp quản lí làm việc nhóm dựa trên đám mây do Stewart Butterfield thành lập. Đây là công cụ đa nền tảng (máy tính, Android, iOS) nên mọi người có thể trao đổi nhóm với nhau trên những thiết bị bất kỳ. Bên cạnh đó, Slack có khả năng liên kết với các ứng dụng lưu trữ của những hãng khác, ví dụ như Dropbox, Google Drive, GitHub… để cùng nhau theo dõi tiến độ công việc ngay trong cửa sổ chat.

Năm nay, Slack cũng đã tiết lộ một logo mới khiến cộng đồng thiết kế xôn xao bàn tán. Theo nhóm thiết kế, lý do đằng sau việc làm mới thương hiệu là để tạo ra một logo linh hoạt hơn, mang đến cảm giác gắn kết hơn trên các sản phẩm và chế độ online của họ.

Logo mới của Slack đã loại bỏ biểu tượng hashtag của mình để thay thế bằng hình dạng octothorpe xác thực nổi bật, và gồm 4 màu thay vì 11 màu trước đó. Thiết kế mới cũng có kiểu chữ đen đậm hơn.


5. Yahoo!

Yahoo! và ứng dụng chat Yahoo Messenger từng là những ứng dụng độc chiếm thị trường nhắn tin online trong suốt nhiều năm. Tuy nhiên cùng với sự bùng nổ của Internet, Yahoo mất dần đi vị thế của mình. Thế nhưng, trong năm vừa qua Yahoo đã bất ngờ đổi logo theo phong cách hiện đại và đón giản hơn, giúp tăng tính nhận diện và cũng nhằm nhắc người dùng về một thời “vàng son” của thương hiệu.

Được biết, logo này do Pentagram thực hiện. Hãng này là công ty từng thiết kế logo cho Citybank, OMNY hay bảo tàng Cooper Hewitt. Như vậy, sau 6 năm, kể từ 2013, Yahoo đã chính thức đổi logo của mình. So với kiểu dáng cũ, logo mới của Yahoo được làm cách điệu hơn, viết thường thay vì viết hoa như trước đây. Pentagram cho biết ký tự “y” và “!” trong logo mới được thiết kế theo góc nghiêng 22.2 độ về phía trước, đại diện cho động lực thúc đẩy, tiến về phía trước!


6. Warner Bros

Được thành lập vào năm 1923, Warner Bros là một trong những công ty giải trí nổi tiếng nhất với vai trò là nhà sản xuất, phân phối, cấp phép và tiếp thị nội dung cho các phim truyện, truyền hình, hoạt hình, truyện tranh, trò chơi video, và đài truyền hình. Trong năm qua, Warner Bros đã giới thiệu một logo mới cũng được thiết kế bởi đối tác Pentagram có trụ sở tại New York.

Logo xuất hiện với màu xanh đặc trưng của Warner Bros, được kết hợp với chữ trắng mang đến màu sắc hiện đại và tương phản hơn. Logo thương hiệu có hai phiên bản: phẳng và có khối, phiên bản có khối phù hợp cho các chương trình truyền hình và phim.

Logo vẫn giữ lại biểu tượng tấm khiên và được căn chỉnh theo tỷ lệ vàng. Các chữ cái bằng phẳng, gọn gàng nhấn mạnh vào sự thống nhất và kết nối.


7. Discovery

Kênh Discovery (được gọi là Kênh Discovery từ 1985 đến 1995, và thường được gọi đơn giản là Discovery) là một kênh truyền hình trả tiền của Mỹ và kênh hàng đầu thuộc sở hữu của Discovery, Inc. Kể từ tháng 6 năm 2012, Discovery Channel là kênh được xem nhiều thứ ba tại Hoa Kỳ, sau TBS và Kênh thời tiết; được phân bố trên 409 triệu hộ gia đình trên toàn thế giới với nhiều chương trình quốc tế đa dạng.

Discovery đã sử dụng logo sử dụng quả địa cầu thực trong thời gian dài, vì vậy sự thay đổi logo của kênh này là một điều bất ngờ. Logo cũ có một biểu tượng quả cầu render khá đẹp, nhưng kiểu chữ thì hơi tẻ nhạt. Thế nên kênh đã thay đổi quả địa cầu mới và lồng ghép vào chữ D trong cụm từ Discovery một cách khéo léo. Logo mới trông đơn giản và đỡ chật chội hơn.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *